Công ước SAR 79 là
công ước quốc tế về Tìm kiếm và Cứu nạn trên biển; gồm 93 quốc gia thành viên
tham gia trong đó có Việt Nam. Mục đích của công ước này nhằm phát triển và
tiến hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn thông qua việc thiết lập một kế hoạch
chung để tổ chức kịp thời các hoạt động Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) trên biển và
thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức, lực lượng tham gia hoạt động TKCN.
Tại chương II của
công ước SAR 79 quy định rõ về tổ chức phối hợp các hoạt động TKCN trên biển.
Theo đó, phải có sự sắp xếp, cung cấp và phối hợp các dịch vụ TKCN. Các thành
viên của Tổ chức đảm bảo có những kế hoạch cần thiết trong công việc cung cấp
các dịch vụ TKCN phù hợp cho những người gặp nạn trên biển trong phạm vi bờ
biển của mình. Tất cả các thông tin thay đổi, bao gồm: dịch vụ TKCN hàng hải
quốc gia; vị trí thành lập các trung tâm phối hợp cứu nạn, số điện thoại, số fax
và khu vực chuyên trách; các đơn vị chính, sẵn có để sử dụng sẽ được quốc gia
đó thông báo tới các quốc gia thành viên của Công ước. Mỗi khu vực TKCN sẽ được thiết lập theo thỏa
thuận giữa các thành viên tham gia. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận
về sự phân vùng của một khu vực TKCN giữa các thành viên, họ sẽ nỗ lực hết sức để
đạt được thỏa thuận nhờ vào những sắp xếp thích hợp, theo đó việc phối hợp toàn
bộ các hoạt động TKCN giữa các thành viên trong vùng đó là như nhau. Thỏa thuận
đạt được giữa các bên sẽ được thông báo cho Ban Thư ký, Ban Thư ký sẽ thông báo
cho tất cả các thành viên tham gia các thỏa thuận và các công việc đã được nêu
trên.
Việc khoanh định các khu
vực TKCN thì không liên quan và không gây ảnh hưởng đến việc phân định ranh
giới giữa các quốc gia. Bên cạnh đó các thành viên cũng được yêu cầu phải đảm
bảo đáp ứng một cách thỏa đáng các hoạt động TKCN xung quanh bờ biển của mình
như: có thể trả lời ngay cho các cuộc gọi cấp cứu hay khi nhận được thông tin
có người gặp nạn trong khu vực được cung cấp các hoạt động phối hợp TKCN tổng
thể, thì thành viên đó phải thực hiện các bước khẩn cấp để cung cấp các hỗ trợ
thích hợp nhất sẵn có cho bất kỳ người nào gặp nạn trên biển, bất kể quốc tịch
hay trạng thái của người đó.
Công ước cũng quy
định phải có sự phối hợp của các phương tiện TKCN và việc thành lập các trung
tâm, các tiểu trung tâm phối hợp cứu nạn. Các trung tâm này phải có đầy đủ các
phương tiện để tiếp nhận thông tin cấp cứu qua một Đài duyên hải cũng như có
thể liên lạc với các đơn vị cứu nạn và các trung tâm phối hợp cứu nạn, các tiểu
trung tâm trong khu vực lân cận một cách thích hợp nhất. Ngoài ra, Công ước
cũng nêu rõ các quy định về việc chỉ định các đơn vị cứu nạn cũng như việc đầu
tư các tiện nghi và trang thiết bị cho các đơn vị đó. Các thành viên tham gia
của công ước cũng được yêu cầu phải đảm bảo sự phối hợp thực tế gần nhất giữa
dịch vụ hàng hải và hàng không.
Với mong muốn phát
triển các hoạt động điều phối về an toàn trên biển cũng như thúc đẩy hợp tác
giữa các tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên toàn thế giới, công ước SAR 79 đã đóng vai
trò quan trọng trong việc trợ giúp người đi biển.
Chi cục Hàng hải tại Hải Phòng
(Theo tài liệu IMO)