20/09/2020

Ngày 18/9, Trường Cao đẳng Hàng hải II và một số doanh nghiệp phối hợp tổ chức Hội thảo “Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp”. Dự Hội thảo, có Ban Giám hiệu Nhà trường, các Nhà giáo kinh nghiệm và lãnh đạo một số doanh nghiệp: Xí nghiệp lai dắt tàu biển; Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hải và Thương mại Thanh Hà; Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hải và Thương mại Thanh Hà và Công ty AT Japan Global.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trương Thanh Dũng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng  Nhà trường cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và Nhà trường trong đào tạo nghề; tạo cơ hội thuận lợi để các bên trao đổi, cung cấp nhu cầu về lao động, đào tạo; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức đào tạo, cung cấp nhân lực lao động cho các doanh nghiệp. Theo đó, các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác gắn kết giữa đào tạo nghề và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; đồng thời tập trung đề xuất các giải pháp để đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời gian tới.

Xây dựng mối quan hệ cùng có lợi

Theo đánh giá của Nhà trường, việc quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền đã tạo những chuyển biến tích cực giữa giáo dục nghề nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Nhà nước tạo ra chính sách, khuôn khổ; doanh nghiệp là người sử dụng nguồn lao động nên cần đầu tư, định hướng vào thị trường giáo dục nghề nghiệp. Ðể mối liên kết này thật sự hiệu quả, doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với trường nghề qua các khâu: tuyển sinh - đào tạo - sử dụng.

Đ/c Trương Thanh Dũng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải II phát biểu khai mạc Hội thảo

Trường Cao đẳng Hàng hải II xác định "xây dựng mối liên kết bền vững giữa Nhà trường và doanh nghiệp được xem là nhiệm vụ quan trọng". Theo đó, Nhà trường đã có nhiều cách làm hay để xây dựng mối liên kết này, cụ thể: cùng doanh nghiệp tham gia hỗ trợ Nhà trường trong các hoạt động tư vấn tuyển sinh; tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo. Hằng năm, Nhà trường tổ chức ngày hội việc làm tại trường, chủ động mời các doanh nghiệp đến trường gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với học sinh sinh viên để giới thiệu các ngành, nghề đào tạo của trường với doanh nghiệp, cũng như giúp học sinh sinh viên có thể tiếp nhận và trao đổi thông tin cần thiết về điều kiện tuyển dụng, cơ hội nghề nghiệp; tổ chức cho học sinh sinh viên của Nhà trường tham quan thực tế tại các doanh nghiệp…

Theo đồng chí Trương Thanh Dũng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải II, Nhà trường đã ký thỏa thuận, liên kết đào tạo và cung ứng lao động cho nhiều doanh nghiệp trên cả nước.

“Yếu tố quan trọng trong mối liên kết này là có sự tham gia của các doanh nghiệp trong các khâu tuyển sinh, đào tạo. Do đó, Nhà trường đã phải thay đổi rất nhiều trong cách đào tạo, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và mục tiêu cuối cùng là giải quyết việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp. Ðây mới thật sự là điểm mấu chốt, giá trị cốt lõi cho sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà trường và doanh nghiệp” - đồng chí Trương Thanh Dũng nhấn mạnh.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, trên thực tế còn nhiều khó khăn, thách thức như: chất lượng hợp tác với doanh nghiệp chưa cao. Theo thống kê, tỷ lệ hợp tác này mới chỉ đạt khoảng 9,11%. Khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa được áp dụng trong thực tiễn; thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp; một số doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp...

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, để mối quan hệ "cộng sinh" này hoạt động thật sự hiệu quả, phải sớm rà soát lại cơ chế, chính sách. Ðồng thời, mối quan hệ này phải nhìn rộng hơn, từ khâu dự báo nguồn nhân lực đến xác định nhu cầu; từ xây dựng tiêu chuẩn, chương trình đến tuyển sinh, đào tạo, ngoại ngữ cũng không kém phần quan trọng trong vấn đề đào tạo và đánh giá tuyển dụng sau đào tạo... Vì vậy, doanh nghiệp phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong khâu dự báo nhu cầu, khâu phối hợp đào tạo, tuyển dụng.

Nhà trường xác định, phải thay đổi cách thức đào tạo, chuyển từ hướng trọng "cung" sang hướng trọng "cầu"; bám sát doanh nghiệp để biết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó có thể thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động. Trong thời gian tới, Nhà trường và doanh nghiệp cần có các giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng và thắt chặt mối liên kết này một cách bền vững; đồng thời coi đó là giải pháp tối ưu để đạt được sự đồng thuận và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, lâu dài cho hai bên trong quá trình tuyển sinh, đào tạo; phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo

Khép lại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các cơ chế chính sách cho doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề; trình bày kết quả một số gắn kết hiệu quả giữa Nhà trường và doanh nghiệp; đồng thời đưa ra một số giải pháp có tính định hướng phát triển đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp trong thời gian tới./.

 

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :21076717
    • Online: 304